Thị trường kinh doanh luôn có những thuật ngữ khó hiểu mà nhiều người chưa hề biết đến. Với những người làm việc trong ngành tài chính – ngân hàng, tính thanh khoản là một khái niệm quá quen thuộc. Tuy nhiên, rất nhiều người không biết thanh khoản là gì. Dưới đây là những thông tin mà chúng tôi tổng hợp lại giúp bạn hiểu rõ hơn về thanh khoản.
Thanh khoản là gì?
Thanh khoản là khái niệm được nhắc nhiều trong hoạt động tài chính, ngân hàng. Trong tiếng Anh, tính thanh khoản là “Liquidity”, để chỉ độ lưu động hay tính lỏng của tài sản/sản phẩm nào đó, có thể mua vào và bán ra mà giá thị trường không bị thay đổi nhiều. Hay đơn giản hơn, tính thanh khoản là một thuật ngữ thể hiện khả năng chuyển đổi từ tài sản/sản phẩm thành tiền mặt.
Tiền mặt có tính thanh khoản cao bởi có thể dùng nó để đổi lấy hàng hóa mà giá vị hầu như vẫn giữ nguyên đồng thời nó còn được dùng để tích trữ, lưu thông. Tính thanh khoản của hàng tồn kho thấp nhất bởi nó phải trải qua quá trình phân phối, tiêu thụ rồi mới trở thành khoản phải thu, cuối cùng là tiền mặt.
Tính thanh khoản thể hiện sự linh hoạt và tính an toàn của tài sản:
- Tài sản ngắn hạn có giá trị ít biến động, do đó tính thanh khoản cao.
- Thị trường hoạt động sôi nổi và hiệu quả bao nhiêu thì tính thanh khoản cao bấy nhiêu.
Tính thanh khoản của chứng khoán
Tính thanh khoản của chứng khoán biểu hiện khả năng chuyển đổi chứng khoán thành tiền mặt và ngược lại. Những loại chứng khoán thanh khoản cao thường có sẵn trên thị trường, thuận tiện cho việc mua bán, giá cả khá ổn định và khả năng thu hồi vốn đầu tư cao.
Tính thanh khoản của các loại chứng khoán cho phép người mua chứng khoán chuyển đổi sang tiền mặt nhanh chóng khi cần thiết. Việc này tạo nên tính hấp dẫn của thị trường chứng khoán. Tính thanh khoản càng cao cho thấy thị trường chứng khoán càng sôi động.
Rủi ro thanh khoản của chứng khoán
Ngân hàng và các nhà đầu tư luôn quan tâm đến tính thanh khoản của chứng khoán và khả năng bán lại chứng khoán để thu hồi vốn. Việc tìm người mua khó khăn hoặc phải bán với giá thấp hơn có nghĩa là khả năng phục hồi của chứng khoán đó kém. Lúc này, ngân hàng và các nhà đầu tư sẽ phải chịu những tổn thất về tài chính.
Trên thực tế, nếu nhà đầu tư sở hữu quá nhiều chứng khoán mà không thể bán ra được thì phải chịu rất nhiều thua lỗ và người ta gọi đây là rủi ro thanh khoản của việc đầu tư chứng khoán.
Các yếu tố ảnh hưởng
Tính thanh khoản của chứng khoán quyết định đến tương lai của chứng khoán trong doanh nghiệp. Dưới đây là một số yếu tố ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực tới tính thanh khoản của chứng khoán:
- Con số tài chính: thể hiện tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp có tốt không. Doanh nghiệp lớn có uy tín và phát triển thì tính thanh khoản cao, ngược lại nếu tình hình làm ăn không tốt thì tính thanh khoản thấp.
- Tất cả hoạt động kinh doanh của một doanh nghiệp đều chịu tác động của các chính sách của Nhà nước và cơ quan quản lý. Chính vì vậy, tính thanh khoản của chứng khoán cũng bị ảnh hưởng bởi chính sách, quy định từ Nhà nước.
- Pháp luật Việt Nam quy định rằng: Nhà đầu tư nước ngoài chỉ được phép mua 30% cổ phiếu ngân hàng TMCP đã niêm yết, 49% cổ phiếu doanh nghiệp đã niêm yết. Do đó, giới đầu tư nước ngoài hoàn toàn không được quyền mua hết số cổ phiếu mà họ muốn mà bắt buộc phải lựa chọn loại cổ phiếu phù hợp nhất, dẫn đến khả năng tiếp cận của các doanh nghiệp trong nước với nhà đầu tư nước ngoài hạn chế hơn rất nhiều.
- Tâm lý của nhà đầu tư: Vấn đề mua bán chứng khoán trên thị trường thường bị phụ thuộc vào thời điểm, nhu cầu của các nhà đầu tư. Thị trường khởi sắc khiến các nhà đầu tư hứng thú và dễ dàng chi tiền hơn. Khi thị trường giảm điểm, nhà đầu tư thường hoang mang và cẩn trọng hơn.
Thị trường khởi sắc khiến các nhà đầu tư hứng thú và dễ dàng chi tiền hơn
Tính thanh khoản trong ngân hàng
Tính thanh khoản trong ngân hàng là khả năng đáp ứng nhu cầu rút tiền và giải ngân các khoản tín dụng một cách kịp thời. Tùy thuộc vào nhu cầu, thời gian thanh khoản được chia ra thành ngắn hạn và dài hạn. Thanh khoản ngắn hạn chiếm phần lớn bởi nó bao gồm các khoản tiền gửi thanh toán, tiền gửi tiết kiệm đến hạn, công cụ huy động vốn,… Dù là ngắn hay dài hạn, ngân hàng đều phải dự phòng nguồn tiền.
Đặc điểm thanh khoản trong ngân hàng
- Thanh khoản trong ngân hàng hiếm khi cân bằng cung – cầu tại 1 thời điểm. Các ngân hàng thường xuyên phải đối mặt với trạng thái thanh khoản thặng dư hoặc thâm hụt.
- Khi ngân hàng giữ lại càng nhiều nguồn vốn để đáp ứng cho các nhu cầu thanh khoản, khả năng tạo lợi nhuận sẽ thấp càng thấp.
- Để giải quyết các vấn đề liên quan đến thanh khoản, ngân hàng buộc phải bỏ ra các loại chi phí gồm: lãi vay vốn, chi phí tìm nguồn vốn, chi phí cơ hội mất đi lợi nhuận trong tương lai.
Nguyên nhân gây rủi ro thanh khoản
- Ngân hàng vay mượn thông qua các khoản tiền gửi hoặc quỹ dự trữ từ các tổ chức tài chính và cá nhân quá nhiều, chuyển thành tài sản đầu tư dài hạn, gây nên sự mất cân bằng thời hạn vốn – sử dụng vốn. Khó để thu hồi tiền từ các khoản đầu tư bằng với luồng tiền đang trang trải cho nguồn vốn huy động.
- Lãi suất thay đổi ảnh hưởng đến cả người gửi tiền và người vay tiền. Nhiều người rút tiền khỏi ngân hàng và đầu tư vào thứ sinh lời cao hơn. Các khách vay tiền trì hoãn đề nghị vay vốn để tích cực tiếp cận những khoản tín dụng lãi suất thấp hơn. Điều này tác động đến trạng thái thanh khoản trong ngân hàng.
Hy vọng những nội dung trên đây có thể giúp bạn hiểu rõ thanh khoản là gì và một số vấn đề liên quan đến thanh khoản của chứng khoán và ngân hàng. Mong rằng bài viết hữu ích cho công việc đầu tư của bạn.