Hiện nay, thị trường mua bán nhà đất rất sôi động, đặc biệt là sử dụng vi bằng để thực hiện giao dịch, thường trong trường hợp sổ hồng chung, sổ đỏ chung, chưa có sổ đỏ, sổ đỏ đang dùng để thế chấp ngân hàng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người cảm thấy lạ lẫm và không hiểu bản chất vi bằng là gì. Cùng tìm hiểu về vi bằng trong bài viết!
Vi bằng là gì?
Vi bằng là loại văn bản được lập ra bởi Thừa phát lại nhằm ghi nhận hành vi, sự kiện, có thể kèm theo hình ảnh, video, tài liệu khác làm bằng chứng trong việc xét xử và trong những mối quan hệ pháp lý. Trong khi văn bản công chứng lại là các hợp đồng, bản dịch, tài liệu,… đã được đóng dấu chứng nhận của công chứng viên dựa trên Luật công chứng.
Trong các giao dịch có liên quan nhà đất, Thừa phát lại sẽ lập vi bằng ghi nhận việc giao nhận giấy tờ, giao tiền chứ không ghi nhận giao dịch mua bán nhà đất. Thực chất việc sử dụng vi bằng trong quá trình mua bán nhà đất chính là một hình thức lách luật, giá trị pháp lý không tồn tại. Do đó, nếu có tranh chấp xảy ra, tòa có thể tuyên vô hiệu quá giao dịch.
Lập vi bằng là gì?
Lập vi bằng là việc lập ra các văn bản ghi nhận lại các sự kiện, được dùng làm bằng chứng trước tòa và những quan hệ pháp lý khác. Bên cạnh Thừa phát lại, thẩm phán hòa giải, nhân viên chưởng kế, công lực, phụ tá công lý về mặt dân sự cũng có quyền lập vi bằng.
Thực tế cho thấy có đến 90% các tranh chấp xuất phát từ sự bội tín của các đối tác tham gia giao dịch, những người mà bạn đã tin tưởng tuyệt đối. Do vậy, mọi thỏa thuận giao dịch cần được chứng kiến của một bên thứ 3 – tổ chức có thẩm quyền. Thừa phát lại có chức năng lập vi bằng với các hành vi, sự kiện theo yêu cầu của các bên đương sự, ngoại trừ trường hợp vi phạm an ninh, quốc phòng, đạo đức xã hội hoặc các trường hợp cấm theo quy định của pháp luật. Sau đó, vi bằng phải được gửi lên Sở Tư Pháp mới được xem là hợp lệ.
Thừa phát lại là gì?
Thừa phát lại là cá nhân/đơn vị được Nhà nước trao quyền và bổ nhiệm để thực hiện các công việc thi hành án phạm vi dân sự, lập vi bằng, tống đạt giấy tờ và công việc khác do pháp luật quy định. Cụ thể:
- Lập vi bằng dựa theo yêu cầu của các cá nhân, tổ chức, cơ quan.
- Xác minh các điều kiện để thi hành án do các bên đương sự yêu cầu.
- Thực hiện tống đạt giấy tờ do Tòa án yêu cầu (hoặc Cơ quan thi hành án dân sự).
Những hạn chế của vi bằng
Thừa phát lại không được quyền lập vi bằng trong các trường hợp:
- Giao dịch chuyển nhượng hoặc tặng đất, nhà,…. thuộc thẩm quyền công chứng thuộc về đơn vị hành nghề công chứng và UBND các cấp.
- Liên quan đến lợi ích bản thân Thừa phát lại cũng như những người thân thích gồm vợ, chồng, con ruột, con nuôi, cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, ông bà nội ngoại, chú, bác, cậu, dì, cô, anh ruột, em ruột, chị ruột.
- Vi phạm vấn đề an ninh, quốc phòng, bí mật đời tư.
- Trường hợp khác được quy định theo Pháp luật.
Bên cạnh đó, Thừa phát lại chỉ có quyền lập vi bằng cho các hành vi, sự kiện trên địa bàn thành phố, tỉnh nơi đặt trụ sở của Thừa phát lại đồng thời phải đăng ký vi bằng với Sở Tư Pháp để đảm bảo tính hợp pháp.
Mua bán nhà đất vi bằng có được pháp luật công nhận?
Theo Điều 28 – Nghị định 61 của Chính phủ, các vi bằng chỉ có giá trị làm bằng chứng trước Tòa khi giải quyết các vụ án hoặc nó là căn cứ thực hiện một số giao dịch hợp pháp do Pháp luật quy định. Do đó, vi bằng trong mua bán nhà đất chỉ có giá trị chứng cứ chứ không thể là điều kiện pháp lý sang tên tài sản.
Luật Đất đai, Nhà ở cũng quy định rõ việc chuyển nhượng, mua bán nhà đất cần phải lập văn bản, cụ thể là các hợp đồng chuyển nhượng, mua bán quyền sử dụng đất, sở hữu nhà và tài sản trên đất. Văn bản phải được Cơ quan Nhà nước thẩm quyền chứng thực. Sau đó, đến văn phòng đăng ký đất đai của quận, huyện để tiến hành đăng ký trước bạ, thủ tục sang tên cho bên mua.
Có nên mua nhà vi bằng không?
Việc mua bán nhà đất vi bằng sẽ được chuyển nhượng nhiều lần, qua nhiều người, hồ sơ không đúng quy định, cơ sở pháp lý chưa đủ, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Trong một vài trường hợp, chủ sở hữu của tài sản vẫn chọn lập vi bằng để chuyển nhượng đất, nhà kể cả khi tài sản đó đã thế chấp, cầm cố, chuyển nhượng bằng giấy cho người khác. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ xảy ra tranh chấp, cản trở cơ quan chức năng xử lý vụ việc, thậm chí còn khiến người dân gánh những thiệt hại lớn về tài sản.
Có phát tất cả vi bằng được lập bởi Thừa phát lại đều có giá trị?
Như đã đề cập ở trên, chỉ khi vi bằng được đăng ký với Sở Tư pháp thì mới có giá trị. Và tất nhiên, nếu chưa đăng ký với Sở tư pháp thì chắc chắn là không có giá trị. Vi bằng không giới hạn về thời gian có hiệu lực. Trong trường hợp Sở tư pháp từ chối vi bằng thì nó không có giá trị làm bằng chứng trước Tòa để xem xét giải quyết vụ án cũng như không còn là căn cứ thực hiện những giao dịch khác mà Pháp luật quy định.
Hy vọng bài viết đã giúp bạn hiểu rõ vi bằng là gì. Tóm lại, vi bằng thực chất chỉ là văn bản ghi nhận hành vi, giao dịch trao đổi tiền, giấy tờ, sự kiện chứ không hề chứng nhận cho việc mua bán, chuyển nhượng tài sản. Đó chỉ là bằng chứng cho các thỏa thuận giữa các bên, không phải là căn cứ sang tên đổi chủ.